“Taiyaki” là một biểu tượng điển hình cho các loại bánh kẹo đường phố ở Nhật Bản có từ thời xa xưa. Loại bánh này được chế biến bằng cách đổ phần bột đã được trộn từ bột mì và đường vào khuôn nướng kim loại có hình con cá tráp, sau đó kẹp nhân đậu đỏ vào giữa và nướng lên. Gần đây, ngoài đậu đỏ thì cũng có thêm các loại nhân đa dạng khác như nhân Socola hay nhân kem trứng custard, tuy nhiên thì nhân đậu đỏ vẫn được nhiều người ưa chuộng nhất.
Các loại bánh kẹo có nhân đậu đỏ vốn không phải là đồ “hiếm có khó tìm” ở Nhật, tuy nhiên, “Taiyaki” lại được nhiều người “ưu ái” chọn làm quà biếu vào những dịp chẳng hạn như khi đến chơi nhà bạn bè. Lý do mà món ăn này được ưa chuộng như vậy là bởi vì nó rẻ, không làm đối phương cảm thấy khách sáo khi nhận. Ngoại trừ những người không thích đồ ngọt thì từ già trẻ hay nam nữ, bất kể ai biết đến loại bánh này đều an tâm về hương vị của nó. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng nhất đó là loại bánh này là biểu tượng cho “điềm lành”, sự may mắn. Trong tiếng Nhật, chữ “tai” (cá tráp) trong “taiyaki” đồng âm với chữ “tai” trong “Omedetai” nên được xem là loại cá mang lại may mắn. Và trong thực tế, loại cá này là một món không thể thiếu trong các bữa tiệc mừng. Các bạn đã từng thấy trên TV cảnh tượng các lực sĩ Sumo hạng nặng chiến thắng tay cầm con cá tráp màu hồng và chụp ảnh kỷ niệm chưa? Cá “tai” (cá tráp) lớn hàng thật, sản phẩm từ tự nhiên có giá rất cao và không phải đồ dễ mua, nhưng bánh “Taiyaki” thì chỉ có giá 200 Yên/ chiếc! Bạn hoàn toàn có thể mua được bằng tiền tiêu vặt của mình và là một sự lựa chọn hoàn hảo để làm quà biếu. Bánh “Taiyaki” có sức hấp dẫn đặc biệt như vậy đó, bạn đã biết chưa?
Cũng có một số giả thuyết về lịch sử của bánh “Taiyaki”, nhưng chắc chắn một điều là loại bánh này đã có lịch sử hơn 110 năm, bởi cửa hàng “Taiyaki” vô cùng lâu đời có tên là “Naniwaya” ở Azabu, Tokyo đã được xây dựng vào năm 1909. Dẫu vậy, “Taiyaki” vẫn được biết đến là một loại bánh được cải tiến từ bánh “Imagawayaki (obanyaki)” có hình dạng giống như cái trống. “Taiyaki” giống như là anh em của người anh “Imagawayaki” – loại bánh ra đời tại khu phố buôn bán ở Tokyo vào thời kỳ những năm 1700. Đến đây, các bạn đã hiểu được nguyên do loại bánh được nướng bằng bột mì và có nhân đậu đỏ này lại được coi là món ăn linh hồn của Nhật Bản, mang tính lịch sử chưa?
Ngày nay, các cửa hàng “Taiyaki” có mặt trên khắp Nhật Bản. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là loại nuôi trồng, rất hiếm có loại tự nhiên. Không phải là cá thật, chỉ là “Taiyaki” mà cũng được nuôi trồng ư? Đúng vậy đấy! “Taiyaki” cũng được chia làm tự nhiên và nuôi trồng. Điểm khác biệt ở đây chính là ở hình dạng khuôn nướng. Khuôn nướng bánh có hai loại, một loại có tên “Iccho-yaki” là loại nướng cẩn thận từng chiếc bánh một, loại thứ 2 là loại khuôn cỡ lớn, có thể nướng được nhiều “con cá” cùng một lúc. Và loại “Iccho-yaki” được gọi là tự nhiên, còn sử dụng loại khuôn lớn thì được coi là nuôi trồng. Loại tự nhiên là một phương thức nướng bánh truyền thống có từ xa xưa. Khuôn nướng của loại này có cân nặng hơn 2kg, người thợ phải vừa nướng bánh, vừa khéo léo di chuyển từng khuôn bánh, nên vô cùng tốn thời gian và công sức làm việc. Và đương nhiên, số lượng cửa hàng kinh doanh loại bánh tự nhiên này cũng hạn chế vì hiệu quả kinh doanh không cao. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người là fan của loại bánh này bởi hương vị thơm ngon, chỉ có thể thưởng thức trong tự nhiên của loại bánh này. So với loại bánh nuôi trồng thì cảm giác khi ăn lớp bột bánh tự nhiên này “khác bọt” hơn hẳn. Đặc trưng của lớp bột vỏ bên ngoài là cảm giác giòn rụm giống như bánh quy vì nó được nướng trong nhiệt độ cao, nếu là một người đam mê “Taiyaki”, chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên rằng loại bánh này có độ ngon vô cùng khác biệt.
Ở Tokyo, nơi khởi nguồn của món bánh “Taiyaki” có 3 cửa hàng Taiyaki nổi tiếng được mệnh danh là Top 3 cửa hàng ngon nhất. Và tất nhiên là cả 3 cửa hàng đều kinh doanh loại tự nhiên. Giá của mỗi bánh tại cả 3 nơi đều khoảng 200 Yên/cái. Nếu có thời gian, hay có dịp ghé tới gần đó, nhất định bạn phải ăn thử nhé. À không, hay là bạn bỏ chút công sức lên tàu và tới mua vào ngày nghỉ, thì cũng đáng mà đúng không? ~ Nếu có đi thì đừng quên mua về làm quà cho người thân và bạn bè với nhé! Nếu được thì bạn nên ăn ngay lúc vừa nướng xong là ngon nhất, nhưng nếu bạn mang về nhà khi trời lạnh thì sau khi làm ấm bằng lò vi sóng, hãy thử nướng lại phần vỏ bên ngoài một lúc bằng chảo chống dính nhé, như vậy bạn có thể ăn ngon miệng hơn đó!
Dưới đây là 3 cửa hàng Taiyaki ngon nhất ở Tokyo
●浪花家 総本店(Naniwaya)
●わかば(Wakaba)
●柳家(Yanagiya)