Ở Nhật Bản đi ăn ngoài rất tốn kém nên chắc chắn các bạn Việt Nam sẽ cố gắng tự nấu cơm ở nhà phải không?
Trong khi nấu, chỉ cần bạn rời bếp một lúc thôi lửa có thể bùng lên từ dầu trong chảo. Nếu ngọn lửa bùng cháy dữ dội có thể sẽ cháy cả trần và tường…
Nếu bạn ở trong tình huống tương tự bên trên thì sẽ như thế nào? Hãy nâng cao ý thức phòng chống hỏa hoạn và ghi nhớ những kiến thức đúng và những hành động nhỏ để có thể sử dụng ngay lập tức, cứu bạn và những người thân của bạn nhé.
Lần này, chúng tôi xin giới thiệu những điều cần đề phòng và cần làm trong trường hợp bếp bị cháy.
Đầu tiên hãy thông báo hỏa hoạn đã xảy ra cho những người xung quanh bạn bằng cách hét lên
Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, nếu bạn cố gắng tự mình dập lửa, bạn có thể bị chậm trễ trong việc thoát hiểm, nếu thông báo hỏa hoạn xảy ra chậm có thể dẫn đến việc đám cháy lan ra rộng hơn. Trước hết, hãy hét thật to là có “Cháy! – Kajida” với những người xung quanh bạn. Trong trường hợp đám cháy nhỏ và bạn có thể dập tắt nó, hãy tiến hành dập lửa ngay từ đầu. Tất nhiên, nếu bạn nghĩ rằng đám cháy lớn nguy hiểm, thì tốt hơn hết bạn nên “trốn thoát – Nigeru”. Ngoài ra, khi bạn hét lớn thì sẽ thấy bình tĩnh hơn một chút.
Đây là những việc cần làm nếu hỏa hoạn xảy ra.
① Thông báo có hỏa hoạn bằng cách hét lớn (hét lên “Cháy – Kajida!” để thông báo cho mọi người xung quanh)
② Dập tắt đám cháy (chỉ khi ngọn lửa nhỏ)
③ Giúp đỡ (giúp đỡ nếu có người khuyết tật hoặc những người già yếu)
④ Thoát hiểm (thoát ra ngoài ngay ngay lập tức khi ngọn lửa bùng lên trần nhà)
⑤ Gọi chữa cháy (gọi số “119”)
Khi dập lửa, tốt nhất bạn nên dập tắt bằng bình chữa cháy càng sớm càng tốt. Bạn cũng có thể dùng khăn ướt hoặc lấy nắp nồi đậy lại nhưng thực tế khi nhìn thấy ngọn lửa trước mặt, bạn sẽ bị mất bình tĩnh. Nếu nước trong khăn rơi vào dầu sẽ có nguy cơ gây nổ (nên không được để nước vẩy lên dầu), còn nếu nắp nồi nhỏ thì sẽ không phát huy được tác dụng chữa cháy. Ngoài ra, ngay cả khi bạn không có bình chữa cháy, việc rắc gia vị như sốt mayonnaise là tuyệt đối không được.
Gọi ngay số điện thoại cứu hỏa “119”
Khi đám cháy bùng phát, số điện thoại bạn cần gọi đến là “119”. Cách gọi rất đơn giản, bạn chỉ cần nhấn “1,1,9” theo thứ tự và ấn nút gọi.
Tuy nhiên, số điện thoại “119” dùng trong 02 trường hợp là “hỏa hoạn” và “cấp cứu (ốm đau đột ngột hoặc bị thương nặng)”và bạn cần thông báo với nhân viên tiếp nhận khi gọi điện.
Cách thức thực hiện như sau:
① Bạn sẽ được hỏi “Là hỏa hoạn hay trường hợp khẩn cấp?” bạn hãy trả lời: “Đó là hỏa hoạn”. 「火事ですか?、救急ですか?Kaji desuka? Kyukyu desuka?」-「火事です- Kaji deu」
② Bạn sẽ được hỏi “Vui lòng cho tôi biết địa chỉ chi tiết của bạn”, lúc này hãy thông báo cho họ biết địa chỉ của bạn và những gì gần nhà bạn để dễ nhận biết (các tòa nhà lớn xung quanh…)「住所・目標を教えてください – Jyushou・Moku hyou wo oshietekudasai」
③ Người phụ trách sẽ hỏi bạn về quy mô của hỏa hoạn, vậy nên hãy cho họ biết thời gian phát sinh đám cháy.
※ Nếu bạn không giỏi giao tiếp, hãy truyền máy một người Nhật gần đó để họ trả lời giúp bạn.
Cách sử dụng bình cứu hỏa
Nếu bạn sống trong một căn hộ ở Nhật Bản, bạn sẽ thường tìm thấy bình cứu hỏa ở hành lang bên ngoài cửa ra vào. Nên xác nhận nơi đặt bình chữa cháy để sử dụng ngay khi cần thiết.
Cách sử dụng như sau:
① Giữ phần quai xách bên dưới cò bóp để cầm bình chữa cháy.
Sử dụng bình chữa cháy khi đám cháy vùng phát. Lúc này, bạn chỉ nên dùng một tay giữ phần quay xách bên dưới cò bóp để chất chữa cháy không thoát ra.
② Quyết định vị trí đứng và tháo chốt an toàn của bình.
Hãy đảm bảo bạn đứng ngược gió và quyết định vị trí đứng để dập tắt đám cháy. Theo hướng dẫn, khoảng cách an toàn là vị trí cách đám cháy bằng 2 đến 3 lần chiều cao của ngọn lửa. Khi bạn đã quyết định vị trí đứng của mình, hãy tháo chốt an toàn của bình.
③ Giữ vòi phun và hướng nó vào nguồn lửa.
Giữ chặt vòi phun và hướng vòi vào nguồn lửa ( ở phía bên dưới ngọn lửa) thay vì phía trên.
④ Giữ cò bóp và phun chất chữa cháy.
Giữ vòi phun đối diện với nguồn cháy như bước trên, bóp cò để xả ra chất chữa cháy. Chất chữa cháy tỏa ra ngay trong vài chục giây, vì vậy hãy xác định mục tiêu cần phun và dập tắt đám cháy một cách hiệu quả nhất.
Với bình chữa cháy bình thường, thời gian để chất chữa cháy tỏa ra là khoảng 20 giây. Bạn cần phải dập được gốc của đám cháy trong thời gian ngắn. Nếu bạn không thể dập tắt đám cháy, hãy di chuyển đến nơi an toàn ngay lập tức. Bảo vệ bản thân bạn là điều quan trọng nhất!
TỔNG KẾT
Lần này, chúng tôi đã giới thiệu các biện pháp đối phó với hỏa hoạn.
Như chúng tôi đã đề cập nhiều lần, điều quan trọng nhất không phải là dập lửa mà là thoát ra ngoài vì sự an toàn của bản thân và những người xung quanh bạn.
Điều quan trọng là phải cẩn thận để không bị hỏa hoạn, nhưng hãy chuẩn bị cho mình kiến thức, ghi nhớ và phải bình tĩnh xử lý trong những trường hợp khẩn cấp nếu có xảy ra nhé!